Năm Giáp Thìn biểu tượng của sự tăng trưởng, sáng tạo và đổi mới, đã mang lại nhiều thành quả cho Trung tâm Văn hóa Việt Nam.
Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tiếp tục phản ánh những thành tựu của tổ chức cũng như những mong muốn của chúng tôi. Năm 2024, một bước tiến quan trọng hướng tới thế hệ trẻ đã được thực hiện.
Song song đó, câu chuyện mang tên “Sa Đéc 1965, một chuyện tình” kể bởi Flora Lê đã đem lại những giây phút gần gũi quý giá với thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra tại đây.
Cuối cùng, những hoạt động tham gia của đạo diễn và nhà văn người Montréal gốc Cam Bốt đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong ý tưởng gắn kết cộng đồng Đông Nam Á. Cơ hội này thể hiện mối tâm giao đầy hứa hẹn giữa người Việt, người Cam Bốt và người Lào. Mặc dù về địa lý, ba nước chia sẻ biên giới chung nhưng vẫn thường sống trong cô lập nhất định. Buổi gặp gỡ làm quen tuy còn dè dặt nhưng là bước khởi đầu của con đường xây dựng liên kết bền vững.
Bộ phim tài liệu «Du lotus à l’érable» trình chiếu vào đầu xuân năm ngoái không chỉ là một dự án nhất thời. Bộ phim thể hiện suy ngẫm của Trung tâm muốn đưa Lịch sử vào trọng tâm, tìm hiểu cặn kẽ lời nói của các nhà sử học và chuyên gia để có được phân tích chặt chẽ về các sự kiện. Lựa chọn này xuất phát từ mong muốn vượt ra ngoài câu chuyện cá nhân, thường được đánh dấu bởi trí nhớ chọn lọc, mặc dù rất quý giá, nhưng không đủ để đại diện cho lịch sử của một nước với tất cả những phức tạp của nó. Bộ phim tài liệu mời người xem, tìm tòi góc nhìn sáng tỏ để nhận thức về quá khứ của chúng ta.
Năm Ất Tỵ đang bắt đầu, biểu tượng của sự khôn ngoan, phân tích, trực giác và độc lập.
Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, từ đó bắt đầu những cuộc hành trình di cư kéo dài hơn một thập niên. Chương sử này chắc chắn sẽ được nhiều tổ chức Việt tưởng nhớ và bảo tồn.
Sau nhiều cân nhắc, chúng tôi quyết định rằng Tuần lễ Văn hóa lần thứ bảy của Trung tâm vào thu năm nay sẽ là dịp để cho thấy Cộng đồng người Việt ngoài câu chuyện Thuyền nhân còn có nhiều điều để chia sẻ và kể cho nhau nghe. Nước Việt với văn hoá có chiều dài đáng kể, đã từng rung động theo nhịp điệu từ các nơi khác, châu Âu đến châu Mỹ. Những năm tháng đó, ngày nay thường bị thu hẹp vào giặc giã và hậu quả của nó. Những năm tháng đó cũng là một thời kỳ khao khát kết nối với thế giới sau ngàn năm phong kiến. Chúng tôi muốn vượt qua giai đoạn nạn nhân, để làm nổi bật tinh thần cố gắng và chịu khó, khả năng tự phục hồi chữa lành vết thương. Sự kiên cường này là một công cụ mạnh mẽ để sống còn, mơ ước kết nối với thế giới. Đã quá lâu, lịch sử và văn hóa Việt bị giam cầm trong những câu chuyện chiến tranh, di cư và lưu vong. Tôi thiết nghĩ đã đến lúc cần ra khỏi tư thế cố định, để thấu hiểu nguồn gốc sâu sắc, mang lại cho thế hệ trẻ nguồn cảm hứng và niềm tự hào.
Tuần lễ Văn hóa Việt Nam lần thứ bảy thể hiện sự táo bạo và trí tưởng tượng, thông qua nghệ thuật và công nghệ, khán giả sẽ sống những khoảnh khắc vừa ở quá khứ, vừa ở hiện tại, tại Québec và Sài Gòn.
Nhưng trước đó, chúng tôi rất hãnh diện được giới thiệu bộ phim tài liệu «A comme asiatique», nói về những định kiến tiêu cực, hành động chống người châu Á. Mục tiêu không phải để lên án mà để khuyến khích các nạn nhân áp dụng thái độ và biện pháp chủ động để thay đổi tình huống từ nạn nhân thụ động thành người tham gia vào sự thay đổi. Dự án này được tổ chức phi chính phủ Fondation canadienne des relations raciales tài trợ.
Thân ái
Nguyễn Kim Phượng
Người sáng lập – Chủ tịch